Trong vô số những câu chuyện được lưu hành trong dân gian, Kuchisake-onna khiến cho người nghe cảm thấy lạnh cả sống lưng bởi mức độ quá rùng rợn của nó.
Kuchisake-onna trong tiếng Nhật có nghĩa là người phụ nữ bị rách miệng. Đây là một nhân vật độc ác nổi tiếng trong truyền thuyết đô thị và văn hóa dân gian Nhật Bản.
Theo như mô tả, đó là linh hồn của một người phụ nữ ác độc, một bên mặt sẽ được che bằng mặt nạ hoặc thứ gì đó sắc nhọn. Người này được ví như một yokai (yêu quái) đương đại.
Có rất nhiều biến thể của Kuchisake-onna nhưng nhìn chung đều dựa trên mô típ như sau:
Có một phụ nữ đi lang thang trong đêm tối với một chiếc mặt nạ. Khi bắt gặp một ai đó, cô sẽ hỏi: “Tôi có đẹp không”. Dù trả lời là “có” hay “không” thì vẫn bị rạch miệng bằng liềm, khiến cho nạn nhân có khuôn mặt biến dạng như mình. Trong tiếng Nhật, từ xinh đẹp “kirei” na ná với từ cắt đi “kire”.
Bên cạnh đó, một khi bắt gặp Kuchisake-onna, không ai có thể thoát được vì ả ta có thể chạy 100m trong 3 giây. Với tốc độ này thì dù có là vận động viên điền kinh cũng khó thoát được lưỡi liềm tử thần của ả ta.
Nếu chẳng may bắt gặp Kuchisake-onna, đâu là cách để thoát thân. Theo truyền thuyết kể lại rằng, có 3 cách để nạn nhân giữ được tính mạng của mình.
- Cách thứ 1: Hét từ “Pomade” 3 lần liên tiếp, yokai này sẽ sợ hãi và bạn có cơ hội trốn thoát trong gang tấc. Pomede trong tiếng Nhật có nghĩa là sáp hoặc gel vuốt tóc. Sở dĩ ả ta trở nên xấu xí như vậy là do một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ thất bại. Lúc đó, bác sĩ phẫu thuật sử dụng pomede nên chỉ cần nghe thấy từ này, ả ta sẽ nhớ lại ký ức kinh hoàng trước đó. (1 trong nhiều truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian)
- Cách thứ 2: Yokai này rất thích một loại kẹo có tên Bekko Ame. Nếu giơ cây kẹo này ra, ả ta sẽ mê mẩn và trẻ em sẽ có cơ hội trốn thoát.
- Cách thứ 3: Khi bị hỏi “tôi có đẹp không”, thay vì trả lời “có” hoặc “không”, bạn nên trả lời kiểu mập mờ “cũng tạm được”, “bình thường thôi” sẽ khiến ả ta lơ là mất cảnh giác, tạo cơ hội để bạn trốn đi.
Truyền thuyết đáng sợ về ma nữ này có từ đâu?
Giả thuyết cho rằng, Kuchisake-onna có nguồn gốc từ tỉnh Gifu vào đầu tháng 12 năm 1978 hiện đang chiếm ưu thế. Sau khi có một tin đồn về một bà lão đã chứng kiến cảnh một phụ nữ bị con ma nữ này sát hại vào nhà riêng. 1 năm sau đó, rất nhiều tờ báo đã đưa tin về một người phụ nữ dùng dao sát hại người khác, người này đi lang thang trong đêm với một con dao trên tay.
Theo tuyển tập truyện ma "Kaidan Old Wand" từ thời Edo, một thanh niên tên là Gonsuke đang cầm ô đi dạo dưới trời mưa ở Hyakunincho, Okubo (nay là phường Shinjuku), đi ngang qua một người phụ nữ ướt sũng. Người này tốt bụng hỏi người phụ nữ kia có muốn chui vào ô với mình không? Khi người phụ nữ này quay lại, ả ta lộ ra cái miệng bị xé toạc tới mang tai khiến người đàn ông kia chết trân tại chỗ vì sốc.
Bên cạnh đó có một truyền thuyết đáng tin cậy hơn, khi đó Kuchisake onna vốn là một vợ của một samurai nổi tiếng vào thời Heian. Tuy nhiên, người phụ nữ đẹp tuyệt trần này lại có tính cách lẳng lơ. Bà ngoại tình không ít lần sau lưng chồng mình, đến khi người chồng biết được đã nổi một trận lôi đình. Hành động của người vợ khiến cho vị samurai kia cảm thấy xấu hổ và nhơ nhuốc nên ông đã lấy dao rạch miệng người vợ và hét lớn: “Bây giờ thì không ai có thể khen nhà ngươi xinh đẹp nữa”. Khi nhìn thấy vết rạch trên mặt mình, người vợ đã tự tử và biến thành một hồn ma với đầy lòng thù hận trong lòng. Và từ đó, hồn ma Kuchisake onna xuất hiện, lan truyền với nhiều biến thể khác nhau.
Lấy cảm hứng từ hồn ma Kuchisake onna, năm 2007 đạo diễn Shiraishi đã dựng thành một bộ phim kinh dị thu hút rất đông đảo khán giả tới rạp xem.
Nguồn: Intojapan Waraku
trên Facebook
Tác giả:Phan Hằng
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, từng là DHS tại Nhật (2014-2016)
Sở thích: Du lịch, làm bánh, đọc sách, viết lách
Châm ngôn sống: "Mỗi một người đều có một giai đoạn thức tỉnh, thức tỉnh sớm hay muộn quyết định vận mệnh của bản thân"