Nếu lần đầu tiên khám bệnh bằng bảo hiểm ở Nhật, bạn nhất định phải biết trước một số điều để tránh bỡ ngỡ.
Khi đến sống và học tập tại Nhật Bản, một trong những điều bạn cần lưu ý chính là sức khỏe của mình, đặc biệt cần phải chuẩn bị như thế nào nếu muốn đi khám bệnh khi ốm đau là điều bạn nào cũng cần phải biết trước. Với trăn trở này, bạn Thái Thị Thảo từng sống ở Toshima, Tokyo đã có những chia sẻ rất chân thành với hy vọng có thể giúp đỡ những bạn lần đầu đi khám bệnh ở Nhật bằng bảo hiểm.
Qua Nhật ngay mùa thu, kiểu trời se se lạnh, vừa kiểu sốc nhiệt vừa kiểu chưa thích nghi cách sống và làm việc ở đây nên mình bị cảm. Cũng nghĩ là cảm xoàng sẽ nhanh hết nhưng mà không, cơn ho kéo dài hơn 2 tuần, nặng tới mức đờm có dính máu. Vì thế, mình quyết định đi khám bệnh.
Sở dĩ mình chần chừ cho tới bây giờ một mặt là do chủ quan về sức khoẻ, mặt khác là sợ đi khám phiền, tốn thời gian và tiền bạc nữa. Nhưng sau khi đi khám về mới biết, không phải như vậy.
Ở Nhật, nếu bệnh nhẹ thì nên đi các phòng khám nhỏ ở gần nơi bạn sống trước, nếu thực sự cơ thể có vấn đề cần phải điều trị của bệnh viện thì phòng khám sẽ viết giấy giới thiệu. Bạn yên tâm vì bác sĩ ở phòng khám cực kì thân thiện, dịch vụ cũng rất tốt, không phân biệt khám bằng bảo hiểm hay khám bằng tiền mặt đâu.
8 bước khám bệnh tại Nhật Bản
– Bước 1:
Bạn phải xác định mình đang gặp vấn đề gì, thuộc khoa nào. Ví dụ, bệnh nội khoa (内科), bệnh ngoại khoa (外科), bệnh da liễu (皮膚科),… Sau đó lên Google map gõ theo cú pháp: Tên ga gần nhất hoặc khu vực đang sống + tên khoa + phòng khám.
Ví dụ: 千石 内科 診察室
Lúc đó, Google map sẽ hiện tất cả các phòng khám có khám nội khoa ở gần bạn nhất. Việc của bạn là chọn phòng khám nào có nhiều đánh giá tốt rồi đi thôi. Việc đánh giá bằng sao ở Nhật cũng rất đáng tin cậy, vì người Nhật vốn khó tính trong vấn đề dịch vụ.
– Bước 2:
Trước khi đến phòng khám, bạn nên gọi điện thoại để đặt lịch (予約), chủ yếu là hẹn ngày, giờ và nói tên, số điện thoại để người ta lưu thông tin. Phòng khám sẽ hỏi bạn có bảo hiểm không (国民健康保険), xác nhận có là xong.
Nếu không gọi đặt lịch, nhiều khi đến mà đông là bạn phải chờ, mất thời gian của bản thân.
Bạn có thể lên Google gõ tên phòng khám (Vd: Sengoku Clicnic), nó sẽ ra tất tần tật thông tin của phòng khám, ngày giờ nhận khám, địa chỉ, số điện thoại và đặt lịch khám online dành cho ai ngại nghe điện thoại.
– Bước 3:
Khi đi khám, bạn nên ở nhà tự tra trước 1 số từ vựng về bệnh của mình. Vd: đau họng (喉が痛い), ho liên tục (咳がしきりに出ています), ngứa cổ họng gây ho (喉がいがらっぽい) … Sau đó nhớ mang theo bảo hiểm và tới phòng khám thì bảo ở quầy tiếp tân (受け付け) rằng, lần đầu mình đi khám (初めてなんですけど), người ta sẽ phát cho tờ giấy điền thông tin (tên, địa chỉ, sdt,…) lưu lại cho những lần khám tiếp theo nếu có.
Sau khi khám xong sẽ nhận được toa thuốc (処方箋 )
– Bước 4:
Bạn ra quầy tiếp tân thanh toán tiền khám (chỉ cần trả 30% tiền khám). Sau đó đến hiệu thuốc (薬局), nơi có để bán thuốc theo toa thì vào mua (có bảo hiểm tiền thuốc cũng chỉ cần trả 30% thôi).
– Bước 5:
Đặc biệt, chỗ mình khám phía dưới có chỗ bán thuốc, có dược sĩ lấy thuốc luôn. Nếu là lần đầu lấy thuốc, người ta sẽ đưa cho bạn 1 tờ giấy khảo sát chủ yếu muốn hỏi: Bạn có dị ứng với loại thuốc nào? Bạn làm nghề gì, loại thuốc nào sẽ gây ảnh hưởng đến công việc của bạn (Vd: Lái xe thì người ta sẽ kê thuốc ít gây buồn ngủ nhất), Bạn từng đi khám bệnh ở đâu chưa? Trước đó đã uống loại thuốc nào?…
– Bước 6:
Bạn điền vào rồi nhận được cuốn sổ lưu thông tin loại thuốc được kê (nếu đến khám chỗ khác, trình sổ ra người ta sẽ biết bạn từng khám ở đâu, uống thuốc gì) (おくすり手帳 ).
– Bước 7:
Sau đó, dược sĩ sẽ mang thuốc ra chỉ bạn cách uống, nếu không rõ thì hỏi lại chứ đừng có đứng はい、はい liên tục rồi về uống sai nha. Trên gói thuốc có ghi sẵn liều lượng uống, công dụng và hướng dẫn luôn nên cứ yên tâm nha.
Tổng tiền khám + thuốc là 2 sen 90 yên, thuốc 5 ngày uống, mỗi ngày 3 lần.
– Bước 8:
Khi hoàn thành các bước, bạn sẽ nhận được 2 hoá đơn: Hoá đơn tiền khám và hoá đơn tiền thuốc.
Ngoài tham gia bảo hiểm quốc dân, một số bạn sẽ buộc phải tham gia bảo hiểm học sinh (của trường đang theo học) hoặc bảo hiểm công ty. Lúc đó, bạn mang 2 hoá đơn này đến trường sẽ được trường trả lại nốt số tiền mình đã chi trả.
Tóm lại, nếu bị bệnh thì hãy đi khám và lấy thuốc ngay đi, quá trình khám bệnh rất nhanh, chỉ tốn tầm 30 phút (khám + lấy thuốc), được chi trả lại toàn bộ tiền đã khám.
trên Facebook