“Toilet Hanako san” là một truyền thuyết đô thị Nhật Bản, kể về một hồn ma xuất hiện trong nhà vệ sinh của trường học. Hồn ma này là nỗi ám ảnh của rất nhiều học sinh khi đi toilet.
Nếu bạn từng nghe qua câu chuyện ma về Hanako, mỗi khi đi toilet trong trường học, đừng dại dột gọi tên cô gái ấy, bởi có thể từ giây phút cất tiếng gọi ấy, bạn sẽ không còn cơ hội sống sót trở về lớp.
Trong trường hợp bạn vẫn hiếu kỳ và muốn thử thách lòng can đảm của mình, hãy bước vào ô cửa toilet số 3 và bâng quơ hỏi trong không trung: “Hanako san, irasshaimasu ka?” (Hanako, cậu có ở đó không?). Sau đó, im lặng lắng nghe có tiếng nói nào không, nếu vọng lại là âm thanh: “Hai!” (Có), bạn hãy chuẩn bị tinh thần đón nhận sự trừng phạt của Hanako.
Những giai thoại phổ biến xoay quanh hồn ma Hanako
Có vô số những tin đồn xoay quanh hồn ma Hanako, thêu dệt lên nhiều câu chuyện đáng sợ xảy ra trong ô cửa nhà vệ sinh số 3.
Một trong những tin đồn phổ biến nhất là: “Trong nhà vệ sinh tầng 3 của trường học, bạn tiến tới ô cửa số 3 và gõ cửa 3 lần rồi hỏi: Hanako, bạn có trong đó không? Sau đó, một giọng nói yếu ớt và thê lương vọng ra: Có. Nhưng khi vừa mở cửa, một cô bé với chiếc váy đỏ và đầu nấm xuất hiện và kéo tụt bạn vào bên trong”.
Người ta nói rằng, truyền thuyết đô thị về Hanako nổi tiếng từ những năm 1950. Nó trở thành một tin đồn lan nhanh chóng mặt trên khắp nước Nhật vào năm 1980, xuất hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau như phim và anime vào năm 1990. Thậm chí, giọng nói của Hanako còn được ghi lại trong một chương trình truyền hình.
Câu chuyện về Hanako có nhiều phiên bản khác nhau tùy vào từng vùng miền.
Trong đó, có một câu chuyện kể về một cô gái đến trường học sau một kỳ nghỉ, bị một kẻ biến thái lẻn theo. Không lâu sau đó, người ta phát hiện ra cô bị giết trong toilet trường.
Hay như trong một câu chuyện khác kể về một cô gái bị cha mình thường xuyên bạo hành. Cô gái đành phải cắt quả đầu nấm để che giấu những vết thương trên đầu.
- Ở tỉnh Fukushima lan truyền về linh hồn của một cô gái tử vong sau khi rơi xuống từ cửa sổ của một thư viện.
- Ở tỉnh Saitama cũng có một giả thuyết cho rằng, phía sau bãi rác của một trường học tại Tokyo có mộ của Hanako.
- Ở tỉnh Yamagata, có một giả thuyết khác cho rằng, Hanako là một con thằn lằn khổng lồ với 3 cái đầu, dài 3m, nó đã ăn thịt một cô gái và cướp lấy giọng nói của cô.
Những gì sẽ xảy ra nếu bạn dám gọi tên Hanako trong toilet?
Tên thật của hồn ma này là Hanako Hasegawa (1879). Cô gái nhỏ bé này ghét màu trắng, thích 2 màu xanh và đỏ, chơi trong câu lạc bộ bóng bàn ở trường. Trong câu chuyện về Hanako, ở mỗi nơi lại có những câu trả lời khác nhau liên quan đến câu hỏi trong ô cửa số 3.
Ở tỉnh Iwate, khi bạn bước vào toilet ô số 3, nếu tò mò gọi tên Hanako, một bàn tay lớn màu trắng chui từ sàn nhà lên bóp cổ bạn đến chết.
Ở tỉnh Hyogo, Hanako trốn trong nhà vệ sinh nữ, nếu bạn không chạy trốn trong vòng 3 giây, một bàn tay đầy máu xuất hiện từ bồn cầu và giết chết bạn.
Ở Osaka, có tin đồn nếu bạn gõ cử gọi Hanako, sẽ có tiếng vọng văng vẳng bên tai “nguy hiểm lắm, dừng lại đi”.
Ở Tokyo, nếu bạn gọi Hanako, sẽ có tiếng đáp lại “cái gì”. Sau 4 giờ chiều, nếu bạn cảm thấy hối hận vì trò đùa của mình, hãy nói “Hanako, Gomen ne” (Hanako, mình xin lỗi nhé”. Lúc đấy sẽ có tiếng trả lời “không sao đâu”.
Đặc biệt, có một phiên bản hoàn toàn khác kể về cặp chị em Kanako và Kayoko. Kanako không may qua đời trong một tai nạn giao thông. Kể từ đó Kayoko luôn bị nhầm là hồn ma của Kanako. Không lâu sau, Kayoko cũng tự sát vì quá đau lòng. Hồn ma của 2 chị em này được gọi là “cặp song sinh Hanako”.
Và cứ như thế, tin đồn về Hanako lan rộng khắp Nhật Bản với nhiều phiên bản khác nhau.
Ở Nhật Bản, từ thời Edo đến đầu thời Showa, việc thờ cúng thần nhà vệ sinh rất phổ biến. Thần nhà vệ sinh được tôn thờ bằng cách dâng búp bê thiếu nữ màu đỏ và trắng, thờ cả hoa trong nhà vệ sinh.
Người ta tin rằng, quần áo của Hanako có màu đỏ trắng và cái tên Hanako cũng xuất phát từ phong tục này.
Nguồn: Wikipedia
trên Facebook
Tác giả:Phan Hằng
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, từng là DHS tại Nhật (2014-2016)
Sở thích: Du lịch, làm bánh, đọc sách, viết lách
Châm ngôn sống: "Mỗi một người đều có một giai đoạn thức tỉnh, thức tỉnh sớm hay muộn quyết định vận mệnh của bản thân"