Người già ở Nhật, nếu không sống trong viện dưỡng lão, họ thường sống cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, con cái ở xa và ít khi về thăm.
Khi sống ở Nhật, bạn có biết điều gì sẽ xảy ra nếu một người con sống xa nhà nghe tin bố mẹ mình qua đời không?
Nhà văn Noriko Nagane chia sẻ rằng, cô có một người cha, sống một mình nhưng vừa mới qua đời cách đây không lâu. Cô đã chia sẻ lại trải nghiệm đau thương này của mình lên trang cá nhân, qua đó độc giả nước ngoài có một cái nhìn bất ngờ hơn về cách phản ứng của một người Nhật trước tin người thân mình qua đời.
Ảnh minh họa.
Bố tôi sống một mình, ông mất tại nhà, hưởng thọ 73 tuổi. Nhà bố tôi cách nhà tôi không xa lắm, khoảng 30 phút lái xe ô tô. Mẹ tôi mất cách đây 5 năm, tôi còn có một người chị, cũng đang sống ở xa.
Vào một ngày, tôi nhận được điện thoại của chị gái, thông báo rằng: “Bố mất rồi, em thu xếp đến ngay đi”.
Mặc dù tôi ở gần hơn so với chị ấy nhưng không thể đi ngay được. Chị ấy đưa cho số điện thoại của người giúp việc phát hiện ra bố tôi qua đời. Tôi gọi ngay cho người đó nhưng họ nói rằng: “Gia đình cần liên hệ với cảnh sát và đội cứu thương”. Họ giải thích rằng, trong quy định có yêu cầu họ không được gọi cho xe cấp cứu ngay cả khi đang chăm sóc bệnh nhân tại nhà trước khi bệnh nhân qua đời.
Tôi chợt suy nghĩ: “Nếu người thân chết, xe cứu thương hay xe cảnh sát? Tôi nên chọn cái nào?”
Tôi mất hơn 30 phút lái xe để trở về nhà bố mình sau khoảng 1 giờ liên lạc. Tôi đi lên phòng ngủ của bố mình, mùi nước tiểu nồng nặc, xộc lên mũi. Tôi nhớ mình đã đọc ở đâu đó rằng, khi một người qua đời, sẽ có nhiều chất lỏng trong cơ thể chảy ra ngoài.
Bố tôi nằm trên giường, nhắm mắt, miệng hơi mở, nước da nhợt nhạt, không còn sự sống. Khi xác nhận bố mình đã chết, tôi nghĩ ngay đến việc gọi cảnh sát, bởi đội cứu thương sẽ chẳng làm gì được lúc này.
Ảnh minh họa.
2 nhân viên cảnh sát đến sau đó khoảng 30 phút. Sau khi kiểm tra nhanh thi thể, một người nói: “Ông ấy chết rồi, đừng gọi xe cứu thương”. Tất nhiên, tôi không phản đối. Tiếp theo, họ kiểm tra đồ đạc của bố tôi. Họ tìm thấy một cuốn sổ, ví, trong đó có kẹp một tờ biên lai, nhìn sơ qua tôi đoán bố mình đã đi siêu thị mua gà và thuốc hạ số. Có lẽ ông bị sốt nên đã cố gắng uống thuốc.
Điều phía cảnh sát quan tâm nhất là hôm đó người giúp việc vào nhà như thế nào và phát hiện thi thể ra sao. Tuy nhiên, sự thật bố tôi đã mở khóa cửa trước để người giúp việc vào.
Người giúp việc này nói: “Tôi được thông báo rằng ông ấy không thể thức dậy vào buổi sáng. Vì thế, hãy vào nhà, cửa mở sẵn, tôi đã vào như vậy”.
Tôi cảm thấy buồn, ông đã không gọi cho con gái mình kể cả khi đang ốm nặng. Cuối cùng, nguyên nhân cái chết của bố tôi được xác nhận là do sốc nhiệt. Điều này bắt nguồn từ việc ông không bật điều hòa dù giữa mùa hè.
Sau khi giám định tại chỗ, thi thể sẽ được chuyển về phía nhà xác để yêu cầu “giám định tử thi”. Tiếp theo, tôi sẽ nhận được giấy chứng tử từ bác sĩ, đây là tài liệu cần thiết để chôn cất thi thể. Tuy nhiên, cảnh sát sẽ không mang xác đi, vì thế tôi tự thu xếp mang xác của bố mình tới phía nhà xác. Tôi đã gọi điện cho phía nhà xác và yêu cầu dịch vụ này.
Khoảng 1 giờ tiếp theo, công ty tang lễ tới vận chuyển xác của bố tôi đi. Chờ cảnh sát khám nghiệm tử thi xong, họ sẽ trả lại thi thể. Tôi buộc phải trả một khoản phí để hoàn thành thủ tục này.
Tôi muốn đưa thi thể của bố mình về làm thủ tục thờ cúng nhưng lúc đó là giữa mùa hè. Tôi lo ngại vấn đề bị thối rữa nên có ý muốn nhờ bên nhà tang lễ làm thủ tục thay băng khô mỗi ngày. Mặc dù là nhà văn, thời gian linh hoạt nhưng tôi cũng có nhiều việc cần làm nên rất khó để làm việc này mỗi ngày.
Lúc đó, phía nhà tang lễ nói rằng, họ sẽ giữ thi thể cho đến khi tang lễ diễn ra. Có một dịch vụ như vậy. Vì bận rộn công việc nên hầu như tôi giao mọi công đoạn xử lý sau đó cho nhà tang lễ, chỉ cần trả một khoản phí là được.
Tiếp theo, tôi quay về nhà của bố tôi và tiến hành việc dọn dẹp. Tôi mở cửa sổ, đeo găng tay cao su và bắt đầu dọn dẹp nệm, chiếc nệm bố tôi nằm trước đó ẩm ướt đến mức khiến tôi bị ám ảnh. Tôi tống hết mọi thứ vào một túi rác cỡ lớn, khoảng 7,8 chiếc túi chất thành đống. Nhìn đồng hồ đã 1 giờ chiều, đã 3-4 tiếng kể từ lúc tôi quay trở lại đây.
Nhân tiện, điều khiến tôi ngạc nhiên nhất về câu chuyện của người giúp việc kể lại, đó là bố tôi uống rượu vào mỗi buổi tối như lúc ông còn trẻ. Ông bị tiểu đường ở tuổi 50 và từng nói với tôi rằng sẽ từ bỏ rượu. Tôi không ngờ ông vẫn giữ thói quen này.
Tôi không quá đau khổ trước việc bố mình qua đời, nó là một điều gì đó rất bình thường trong xã hội này. Tôi sống xa gia đình, cũng ít tương tác với bố, có thể nói rằng ông đã sống rất cô đơn trước những tháng ngày cuối cùng của đời mình. Có lẽ, sau này tôi cũng sẽ như vậy.
Dịch từ trang Esse
trên Facebook