Hanami dango là món bánh truyền thống nổi tiếng vào mùa xuân ở Nhật Bản. Khi ngắm hoa anh đào, người Nhật sẽ thưởng thức loại bánh này.
Hanami có nghĩa là ngắm hoa, một truyền thống của người Nhật có từ bao đời nay. Vào mùa xuân, khi những cánh hoa anh đào nở rộ, mọi người sẽ rủ nhau đi ngắm hoa, tận hưởng không khí dịu ngọt của đất trời vào lúc này.
Thông thường, mọi người sẽ đi dạo quanh trong công viên, nơi có rất nhiều cây hoa anh đào nở rộ. Khi thời tiết ấm dần lên, mọi người sẽ tranh thủ có một chuyến dã ngoại đầu tiên vào năm mới.
Hanami dango là gì?
Thực phẩm theo mùa và theo chủ đề là một phần quan trọng của văn hóa Nhật Bản và hanami cũng không phải là ngoại lệ. Các món ăn theo chủ đề mùa xuân sẽ phổ biến trong những chuyến đi chơi như thế này. Bên cạnh những món phổ biến như sakura mochi, inari zushi, sakura onigiri, bạn cũng sẽ tìm thấy một món ngon khác là hanami dango. Đây là một món tráng miệng truyền thống trong dịp này.
Hanami dango là một loại bánh wagashi (bánh ngọt truyền thống của Nhật Bản), bao gồm 3 cái bánh làm từ bột mochiko, có màu hồng, trắng, xanh lá cây đặc trưng. Bánh sẽ xiên vào que, có vị ngọt nhẹ, kết cấu dai. Trong khi những loại dango khác thường ăn kèm với bột đậu nành kinako, bột đậu đỏ hoặc men đậu nành ngọt, hanami dango thường ăn kèm với onigiri và một cốc trà xanh, như vậy là trọn vẹn một bữa ăn no bụng.
Đối với một số người, họ nhận thấy dango và mochi có vẻ giống nhau. Tuy nhiên, không giống như mochi, dango theo truyền thống được làm bằng bột gạo tẻ, trong khi mochi sử dụng gạo nếp.
Trong một số công thức dango, người ta sử dụng loại bột tuỳ theo sở thích cá nhân. Đặc biệt, một số người cho rằng bột gạo tẻ có thể tạo ra dango dai và đặc thay vì dai và đàn hồi.
Hanami dango đầy màu sắc vào mùa xuân
Màu của những chiếc dango có thể khác nhau tùy thuộc vào sở thích cá nhân. Trước đây, dango màu hồng được tạo ra bằng cách sử dụng lá tía tô tím và hoa anh đào ngâm. Nhưng ngày nay, nó được làm từ bột dâu tây.
Trong khi đó, dango xanh được tạo màu truyền thống bằng cách sử dụng một loại ngải cứu Nhật Bản gọi là yomogi, thực sự khiến nó tương tự như một loại dango được gọi là kusa dango. Trong tiếng Nhật, kusa có nghĩa là “cỏ” và dùng để chỉ màu xanh tươi do loại thảo mộc tạo ra. Dango xanh thường sử dụng bột matcha hoặc màu xanh của thực phẩm để thay thế.
Nguồn gốc và biểu tượng đằng sau hanami dango
Tại thời điểm này, bạn có thể thắc mắc về nguồn gốc và biểu tượng của những viên dango màu hồng, trắng và xanh.
Một số ý kiến cho rằng, màu sắc của dango tượng trưng cho vòng đời của hoa anh đào, chuyển từ nụ hồng, nở trắng, sang lá xanh.
Ý kiến khác cho rằng, màu hồng của hoa anh đào, màu xanh của cỏ và màu trắng của tuyết khi mùa đông vừa qua.
Dù lý do là gì, không thể nghi ngờ rằng màu sắc rực rỡ của hanami dango tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn. Hanami dango được bày bán quanh năm và dễ dàng mua từ các cửa hàng tiện lợi, thích hợp cho một bữa tiệc vào mùa xuân.
Dù mặn hay ngọt, hanami dango là món ăn không thể thiếu vào mùa xuân.
Cách làm hanami dango
Nguyên liệu
- 150 bột gạo tẻ joshinko
- 200g bột gạo nếp shiratamako
- 75g đường
- Nước nóng
- Bột matcha và 1 giọt màu thực phẩm (màu hồng)
Cách thực hiện
- Ngâm 12 xiên tre trong nước.
- Trộn bột gạo tẻ và gạo nếp lại với nhau, nếu muốn ngọt hơn có thể thêm đường luôn.
- Đổ nước nóng vào từ từ, khi thấy khô quá thì đổ tiếp, vừa nhào vừa đổ đến khi nhào thành một khối đặc mịn là được.
- Chia bột thành 3 khối, thêm màu thực phẩm và bột matcha vào, nhào mịn.
- Vo viên, mỗi viên khoảng 20g. Công thức này làm được khoảng 36 viên dango.
- Đun nước sôi, cho các viên dango vào luộc trong 2 phút, khi thấy bột nổi lên là được, sau đó vớt ra cho vào bát nước đá.
- Cuối cùng, xiên các viên dango lại với nhau.
Nguồn: Sakura Blog và Simplyhomecooked
trên Facebook