Mochi là một món ăn ngon truyền thống của Nhật Bản, nhưng lại có thể gây tử vong, lý do vì sao?
Những chiếc bánh mochi hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm.
Mochi loại bánh được làm từ gạo nếp, dẻo thơm, được bày bán rất phổ biến tại Nhật Bản. Theo truyền thống tại đây, vào ngày đầu năm mới, mochi sẽ được mọi gia đình ăn như một nghi lễ bắt buộc. Thế nhưng, cũng vào thời điểm này, nó đã cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất.
Mặc dù mochi có vẻ như vô hại, nhưng các quan chức buộc phải đưa ra cảnh báo hằng năm để tránh tử vong. Những chiếc mochi lớn cần phải được cắn nhỏ và nhai kỹ trước khi nuốt bởi chúng rất dính và dẻo. Đối với những ai không thể nhai kỹ, khó nuốt, người già hoặc trẻ em, mochi có thể gây nguy hiểm thực sự.
Mochi có độ đặc giống như gel, nhai sẽ thấy rất dính trong miệng. Nếu không đảm bảo việc nhai kỹ, mochi có thể bị dính ở cổ họng, gây tắc nghẽn hoặc ngạt đường thở.
Năm 2014, truyền thông Nhật Bản đã xác nhận có 2 người chết và 15 người nhập viện. Năm 2015, con số tăng lên 9 người chết vào ngày đầu năm mới với nghi lễ ăn bánh mochi này.
Mọi người giã nếp để làm mochi.
Mochi được làm bằng cách nấu chín gạo nếp, sau đó được giã nhuyễn cho tới khi tạo thành một khối kết dính rồi được vo viên lại. Chúng rất dai và ngon, trở thành một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực Nhật Bản.
Vào năm mới, theo truyền thống, người Nhật sẽ ăn kèm mochi trong nước luộc rau củ có tên ozouni. Bên cạnh đó, mọi người cũng rất thích ăn mochi theo cách khác như nhồi kem, cuộn rong biển khô, hoặc trộn với các loại nhân khác như trà xanh, socola...
Tình trạng mochi gây nghẹt thở là do người ăn nhai và nuốt quá nhanh. Để tránh nguy cơ này, mochi nên được cắt thành từng miếng nhỏ, nhai từ từ cho nước bọt tiết ra đủ để nuốt được miếng bánh. Nếu ai đó bị nghẹn, họ nên nằm xuống để người hỗ trợ có thể ấn mạnh vào lưng, trong khi giữ hàm dưới để giúp miếng bánh được nhổ hoặc nôn ra.
Mochi có thể được nhồi với các nhân ngọt như nhân đậu đỏ.
Tuy nhiên, bạn không nên lo lắng về việc ăn mochi. Nó đã được ăn trong nhiều thế kỷ và có giá trị lịch sử quan trọng ở Nhật Bản. Mặc dù nguồn gốc chính xác của nó vẫn chưa được biết, nhưng nó được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc và được sử dụng làm lễ vật của hoàng gia trong các nghi lễ tôn giáo vào đầu thế kỷ thứ 10. Chúng trở thành món ăn vào năm mới trong thời kỳ Heian của Nhật Bản (794 – 1185). Đặc biệt, trước năm 1070, người ta gọi món ăn này là "mochii".
Từ này có thể xuất phát từ động từ 'motsu', có nghĩa là 'nắm giữ hoặc có'. Nó cũng có thể là trong từ 'mochizuki', có nghĩa là 'trăng tròn'. Mochi được các chiến binh samurai mang vào trận chiến vì nó có hàm lượng calo cao (một miếng mochi cỡ bao diêm có lượng calo tương đương với cả một bát cơm), dễ mang theo và chế biến. Người ta thậm chí còn nói rằng, âm thanh của các samurai giã gạo nếp để làm mochi là dấu hiệu cho thấy họ sắp ra trận.
Nếp phải được giã và trộn với nước để tạo ra mochi.
Howard Wong, người đồng sáng lập công ty bánh mochi Little Moons của Anh, chuyên sản xuất kem và những viên mochi nhồi socola đã nói với trang Culture Trip về cách thưởng thức mochi một cách an toàn.
Anh cho biết: "Mochi nổi tiếng với độ dai ngon, được làm từ gạo nếp hấp. Bánh mochi của chúng tôi được làm bằng cách bọc một viên kem gelato với một lớp bột nếp mỏng để tạo thành một món ăn vừa ngon vừa an toàn".
Nguồn: Theculturetrip
trên Facebook
Tác giả:Phan Hằng
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, từng là DHS tại Nhật (2014-2016)
Sở thích: Du lịch, làm bánh, đọc sách, viết lách
Châm ngôn sống: "Mỗi một người đều có một giai đoạn thức tỉnh, thức tỉnh sớm hay muộn quyết định vận mệnh của bản thân"