Không ai ngờ rằng, phương pháp làm sake ban đầu lại sử dụng nước bọt để lên men gạo. Mãi sau này nó mới được thay thế bằng men từ nấm mốc.
Sake là một loại rượu truyền thống của Nhật Bản được làm từ gạo lên men, được gọi là nihonshu (rượu Nhật). Thức uống này không thể thiếu trong các buổi lễ, sự kiện đặc biệt và ngày lễ quốc gia. Nó thường được rót từ một cái chai cao gọi là tokkuri, uống trong những chiếc cốc gốm nhỏ sakazuke. Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử lâu đời của thức uống tinh túy của Nhật Bản này nhé.
Nguồn gốc chính xác của sake không rõ ràng, nhưng việc sản xuất sớm nhất được cho là ở Trung Quốc, khoảng 500 năm trước Công nguyên. Quá trình làm rượu diễn ra khá thô sơ, dân làng tụ tập lại cùng nhau nhai gạo và một số loại hạt, sau đó nhổ vào một cái bồn chung, lưu trữ và để lên men (các enzyme trong nước bọt sẽ hỗ trợ quá trình lên men).
Quá trình lên men sake trước đây nhờ vào enzyme trong nước bọt con người.
Phương pháp này sớm bị loại bỏ sau khi người ta phát hiện ra koji - một loại ezyme từ nấm mốc, có thể thêm vào gạo để lên men một cách an toàn hơn. Kỹ thuật nấu rượu này lan rộng khắp Nhật Bản vào thời Nara (710 -794), nó chính là nguồn gốc mùi vị của rượu Nhật ngày nay.
Việc sản xuất sake ban đầu là độc quyền của chính phủ, cho đến thế kỷ thứ 10 khi các đền thờ bắt đầu sản xuất rượu của riêng họ. Các ngôi đền đã trở thành nơi chưng cất đồ uống chính trong nhiều thế kỷ. Đến những năm 1300, sake đã trở thành đồ uống mang tính nghi lễ nhất ở Nhật Bản.
Những thùng đựng sake Nhật Bản tại đền Itsukushima.
Trong thời kỳ Minh Trị Duy tân (1868 - 1912), luật mới cho phép bất kỳ ai có đủ khả năng nấu rượu sake có thể mở cửa hàng bán của riêng mình. Trong vòng 1 năm, hơn 30.000 nhà máy rượu được xây dựng tại Nhật Bản. Tuy nhiên, thuế liên quan tới rượu liên tục tăng, 2/3 trong số đó đã phải đóng cửa. Một số nhà máy sản xuất rượu gia đình sở hữu vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Những cải tiến trong công nghệ và thiết bị sản xuất rượu đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể về chất lượng và sản lượng rượu. Các thùng thép nhanh chóng thay thế các thùng gỗ truyền thống được sử dụng để nấu rượu sake, nguyên nhân được cho là không hợp vệ sinh và kém bền.
Vào khoảng thời gian này, sake chiếm khoảng 30% tổng thu thuế của đất nước, dẫn đến việc chính phủ cấm rượu nấu tại nhà vì không thể đánh thuế. Việc nấu rượu tại nhà không có giấy phép ở Nhật Bản vẫn được coi là bất hợp pháp.
Sake trở thành thức uống truyền thống của người Nhật cho tới ngày nay.
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, tình trạng khan hiếm gạo buộc các nhà sản xuất rượu phải thêm rượu nguyên chất và đường gluco vào để duy trì hoặc tăng thể tích. Cho đến ngày nay, 75% sake vẫn được làm bằng phương pháp này. Trong khi ngành công nghiệp sản xuất rượu của Nhật Bản bắt đầu phục hồi sau chiến tranh, sự phổ biến của rượu mạnh phương Tây dần được người dân ưa chuộng hơn.
Mặc dù ngày nay có ít hơn 2.000 nhà máy sản xuất sake ở Nhật Bản, nhưng thức uống này đã dần trở nên phổ biến ở nước ngoài. Hằng năm vào ngày 1/10, sẽ diễn ra lễ hội uống sake, được tổ chức bởi các nhà sản xuất và những người đam mê rượu trên toàn thế giới.
Nguồn: Theculturetrip
trên Facebook
Tác giả:Phan Hằng
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, từng là DHS tại Nhật (2014-2016)
Sở thích: Du lịch, làm bánh, đọc sách, viết lách
Châm ngôn sống: "Mỗi một người đều có một giai đoạn thức tỉnh, thức tỉnh sớm hay muộn quyết định vận mệnh của bản thân"