Bạn có thắc mắc tại sao những loại thịt này lại được đặt tên như vậy không? Hóa ra nó bắt nguồn từ 300 năm trước.
Bạn có biết tại Nhật Bản, những loại thịt phổ biến còn có một cái tên khác không?
Toriniku (thịt gà) = Kashiwa (cây sồi)
Baniku (thịt ngựa) = Sakura (cây hoa anh đào)
Rokuniku (thịt nai) = Momiji (cây phong lá đỏ)
Inoshishiniku (thịt heo rừng) = Botan (cây hoa mẫu đơn)
Tại sao những loại thịt này lại được đặt theo tên của các loài cây? Được biết, những tên gọi này bắt nguồn từ thời Edo khoảng 330 năm trước, việc ăn thịt các loài động vật sống bị cấm. Sắc lệnh “lòng thương xót đối với các sinh vật” được tướng quân thứ 5 của Mạc phủ Edo - Tsunayoshi Tokugawa ban hành.
Theo đó, chó và mèo là loài vật được ưu ái ưu tiên hàng đầu, sau đó đến các loài chim, cá và côn trùng. Tất nhiên, việc giết hại gia súc và thú hoang thành thực phẩm cũng bị cấm.
Sau khi lệnh cấm và hình phạt ngày càng trở nên nghiêm khắc hơn, người dân bắt đầu “lách luật” bằng việc đặt tên cho các món thịt và thay đổi dần nhận thức. Những người chăn nuôi bán “cây sồi” và “cây hoa anh đào”. Những người sống bằng nghề săn bắn thì bán “cây hoa mẫu đơn” và “cây phong lá đỏ”. Bằng cách này, người dân có thể mua thịt được mà không bị phạt.
Cách gọi này sau đó đã trở nên thông dụng, ngay cả khi lệnh cấm được bãi bỏ, nó vẫn được sử dụng rộng rãi cho tới ngày nay.
Toriniku (thịt gà) = Kashiwa (cây sồi)
Trong lễ hội thuyền Rồng tháng 5 hằng năm ở Nhật, người ta sẽ dùng lá non của cây sồi cuộn với bánh mochi để cúng các vị thần. Các lá non thường có màu xanh tươi nhưng khi thay đổi mùa, nó sẽ chuyển sang lá màu nâu nhạt. Vì lá của cây sồi và thịt gà có màu tương tự nhau nên người ta lấy tên kashiwa đặt tên cho thịt gà.
Baniku (thịt ngựa) = Sakura (cây hoa anh đào)
Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao thịt ngựa được gọi là sakura. Giả thuyết đáng tin cậy nhất chính là màu của thịt ngựa giống với màu hoa anh đào. Vì thịt ngựa tươi có màu đỏ nhạt, hơi ngả hồng. Vào thời Edo, khi công nghệ bảo quản chưa được phát triển như ngày nay, thịt ngựa thường đổi màu rất nhanh, thịt tươi mới cắt có màu anh đào.
Rokuniku (thịt nai) = Momiji (cây phong lá đỏ)
Có 4 loài hoa theo mùa được vẽ trên Hanafuda (lá bài truyền thống của người Nhật có từ thời Edo) từ tháng 1 đến tháng 12. Trong đó, lá bài Hanafuda vào tháng 10 là lá phong đỏ đặc trưng của mùa thu, ngoài ra còn có thêm một con nai. Vì con nai được miêu tả cùng với lá phong nên người ta gọi thịt nai là momiji.
Trong thời kỳ Edo, thịt nai rất phổ biến, có rất nhiều cửa hàng bày bán. Người ta kể lại rằng, chủ quán ghi một tấm biển “lẩu lá phong đỏ” phía trước cửa hàng.
Inoshishiniku (thịt heo rừng) = Botan (cây hoa mẫu đơn)
Sở dĩ thịt heo rừng có tên hoa mẫu đơn vì nó có màu đỏ đậm. Dựa vào màu sắc tương đồng của thịt heo rừng và hoa mẫu đơn, người ta đã đặt tên như vậy.
Mặc dù quyền tự do về thực phẩm bị cấm đoán ở thời Mạc phủ Edo nhưng người dân vẫn khôn khéo tìm ra cách để thỏa mãn tình yêu của mình với ẩm thực.