Cung điện Katsura (Katsura Rikyū) là một công trình quan trọng bậc nhất của kiến trúc Nhật Bản được xây dựng từ năm 1620 đến 1663, thường được mô tả là "tinh hoa Nhật Bản". Lần đầu tiên được thế giới biết đến bởi Bruno Taut, một kiến trúc sư vĩ đại người Đức, vào đầu thế kỷ XX, Katsura đã làm choáng váng cộng đồng kiến trúc phương Tây. Le Corbusier và Walter Gropius, những đại thụ trong nền kiến trúc hiện đại, bị mê hoặc bởi "tính hiện đại" của Katsura. Họ đã nhìn thấy các không gian trực giao và mô đun của nó, không có trang trí rườm rà, tương đồng rõ ràng với chủ nghĩa hiện đại đương đại, đi xa đến mức hai ông ca ngợi Katsura như một ví dụ "lịch sử" của hiện đại.
Mặc dù nội thất của cung điện thoạt nhìn trông giống như một bức tranh Mondrian (1), các kiến trúc sư tất nhiên không có ý định như vậy. Những người theo chủ nghĩa hiện đại ngưỡng mộ ở Katsura ở sự phản ánh dấu ấn cá nhân sâu sắc của người thiết kế, hoàng tử Toshihito, đối với các dòng chảy xã hội trong thời đại của ông.
Katsura được xây dựng vào thế kỷ 17, nhưng nguồn gốc của nó có từ thời đại Heian từ một ngàn năm trước đó. Khoảng những năm 1010, cuốn tiểu thuyết được cho là đầu tiên trong lịch sử nhân loại “Câu chuyện về Genji” (2), ghi lại cuộc đời xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji cùng mối quan hệ của họ với những người phụ nữ ở kinh đô.
Hoàng tử Toshihito, người sáng lập Katsura, sinh năm 1579. Ông là em trai của Hoàng đế Goyozei. Toshihito không bao giờ bị mê hoặc bởi sự phô trương. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện sự quan tâm lớn đến “Câu chuyện về Genji” và nhiều tác phẩm văn chương khác. Khi được giao cho một vùng đất dọc theo bờ nam sông Katsura, hoàng tử đã có ý tưởng xây dựng cho mảnh đất này.
Trong một chương của tiểu thuyết có tên "Gió trong cây thông", có câu sau:
"Xa xa, ở làng quê Katsura, sự phản chiếu của mặt trăng trên mặt nước rất trong và yên tĩnh."
Sở hữu vị trí chính xác của vùng đất được đề cập trong cuốn tiểu thuyết yêu thích của mình, Hoàng tử bắt đầu xây dựng một biệt thự được mô phỏng theo khu vườn cây hồ nước trong tiểu thuyết này.
Do các nguồn lực tài chính hạn chế buộc ông phải thực hiện tiết kiệm và kỷ luật tài khóa. Theo đó, cung điện Katsura đầu tiên dường như chỉ như một "Quán trà trong vườn dưa", do hầu hết các khu vực xung quanh lúc đó là các cánh đồng dưa. Đến tháng ngày 18/6/1620, Hoàng tử đã viết trong nhật ký của mình: "Quán trà Katsura đã được xây dựng, có khách đến thường xuyên.”
Có tài liệu đã ghi lại rằng: Những ngọn đồi đã được hình thành và một hồ nước được đào ở giữa khu vườn. Những chiếc thuyền trên hồ, cây cầu gỗ nối các khu vườn và các phòng trà xung quanh.
Cung điện trở thành niềm tự hào của Tomohito, người yêu thích tất cả những gì ông có trong dự án. Mặc dù vậy, Katsura xây năm 1631 nhỏ hơn nhiều so với ngày nay nhưng nó vẫn đủ lớn để tổ chức các bữa tiệc ngắm trăng tao nhã cho khách như trong mô hình “Câu chuyện về Genji”.
Hoàng tử qua đời năm 1629, khi con trai Toshitada chỉ mới mười tuổi. Do còn nhỏ nên Toshitada đã rất ít đến biệt thự này. Từ năm 1631 công trình đã bắt đầu xuống cấp. Hoàng tử trẻ có cùng sở thích về văn học với người cha quá cố đã đến thăm ngôi biệt thự đổ nát vào năm 1641.
Sau khi kết hôn với Fu-Hime, con gái của chúa tể tộc Kaga, thu nhập của anh tăng lên rất nhiều so với số gia sản được thừa hưởng từ cha. Theo đó, Toshitada đã có được thêm nguồn tài chính để cải tạo triệt để biệt thự, được tiến hành ngay sau đó vào năm 1642.
Toshitada rất yêu thích trà đạo, chính điều này tạo nên một thái độ hành xử đơn giản mộc mạc tao nhã và tinh tế của ông sau này. Ông mong muốn cải tạo Katsura thành một nơi lý tưởng để phục vụ trà, và đã cho xây dựng thêm một số quán trà trong khuôn viên biệt thự. Ông cũng nói rõ mong muốn của mình để làm cho khu vườn tương tự như trong Câu chuyện về Genji giống cha mình.
Sau khi Toshitada cải tạo, danh tiếng của cung điện đã tăng lên. Vào ngày 12 tháng 3 năm 1658, Hoàng đế Gomino-o nghỉ hưu đã quyết định đến thăm cung điện. Vì chuyến thăm đặc biệt này, Toshitada đã xây dựng một "shoin mới" cho để mang lại niềm vui cho Hoàng đế.
Trái ngược với các thành phần được xây dựng trước đó, shoin mới được trang trí có chủ ý. Về mặt phong cách, đó là sự kết tinh của một sự thay đổi trong phong cách Nhật Bản giữa thế kỷ 17. Trước đây, phong cách kiến trúc shoin đã thống trị thị hiếu Nhật Bản. Phong cách shoin thường trang trọng, trực giao và phô trương, nhưng những khó khăn tài chính và thị hiếu văn học của người sáng lập Toshihito đã tạo ra một phong cách shoin nhẹ nhàng, tiết chế, đơn giản nhưng thanh lịch. Do có thu nhập lớn hơn người cha nên Toshitada cho phép Shoin mới được trang trí và thời trang, phù hợp với phong cách "Sukiya" (3) đã sớm thay thế kiến trúc Shoin. Tuy nhiên, cung điện dường như được xây dựng hài hòa vì Sukiya lúc đó chưa áp đảo các nguyên tắc cơ bản của phong cách Shoin khi Shoin mới được xây dựng.
Gomino-o một lần nữa đến thăm cung điện vào năm 1663. Vào thời điểm đó, diện tích khu đất của toàn bộ cung điện bằng đúng bây giờ, khoảng 69,000 mét vuông. Hoàng tử Toshitada đã mất năm 1662 và người thừa kế của ông đã chết chỉ ba năm sau đó. Trong những năm về sau, việc bổ sung tài chính để tu sửa đã không được thực hiện do cả hoàng tử thế hệ thứ tư và thứ năm đều chết ở tuổi thiếu niên. Hoàng tử thế hệ thứ sáu qua đời ở tuổi ba mươi, nhưng đến thế hệ thứ bảy, Hoàng tử Yakahito, sống từ năm 1703 đến 1767. Trong suốt cuộc đời tương đối dài của mình, ông thường xuyên đến thăm biệt thự và sửa chữa nhiều lần, và vẫn giữ nguyên bố cục chung. Cung điện đã tuột khỏi tay của dòng Hachijo vào năm 1883, khi gia đình không có ai nối dõi. Cung điện bỏ trống và bị thiệt hại trong thời kỳ hỗn loạn của cuộc Duy tân Minh Trị. May mắn thay, cung điện chưa bao giờ bị hỏa hoạn. Có lẽ chính vì điều này mà thiết kế nguyên bản cách đây vài trăm năm vẫn còn nguyên cho đến ngày hôm nay.
Năm 1983, một đợt cải tạo và phục hồi toàn diện đã được thực hiện, liên quan đến việc tháo dỡ gần như toàn bộ tòa nhà, thay thế gỗ mục nát và sửa chữa sàn nhà đã bị chảy xệ. Nhờ cách xử lý này, cung điện ngày nay tuy bị phong hóa nhưng vững chãi, cứng cáp, giữ lại hầu hết gỗ nguyên bản.
Katsura rất thành công vì nó như là một tác phẩm nghệ thuật phổ quát, trong đó mọi người có thể tìm thấy thứ gì đó để chiêm ngưỡng và luôn tìm thấy thứ gì đó mới mẻ. Nó có vẻ giống như một bộ sưu tập với các trải nghiệm kín đáo, tinh tế, tao nhã hơn là một biệt thự rộng lớn. Không có tác phẩm nào có được các giá trị, bản chất và tinh hoa của Nhật Bản như Katsura.
Chú thích:
(1) Piet Mondrian (1872 - 1944), danh họa nổi tiếng người Hà Lan, cha đẻ của một loại hình hội họa mới của trường phái trừu tượng gọi là trường phái Tân tạo hình (Neo-Plasticism).
(2) Câu chuyện về Genji”, là một trường thiên tiểu thuyết của nữ sĩ cung đình Nhật Bản có biệt danh là Murasaki Shikibu viết vào thời Heian. Đây là một hiện tượng có một không hai đối với văn học nhân loại vào thời kỳ trung cổ tiền Phục Hưng, truyện được đánh giá là tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, sớm hơn rất nhiều so với sự ra đời của tiểu thuyết ở châu Âu với tác phẩm Đôn Kihôtê của Miguel de Cervantes vào thế kỷ 16.
(3) Sukiya là một loại hình kiến trúc nhà ở của Nhật Bản. “Ya” là ngôi nhà và “Suki” có nghĩa là hương vị tinh tế, được trau dồi và thỏa thích trong những mưu cầu tao nhã và đề cập đến việc thưởng thức trà đạo được thực hiện một cách tinh tế.
Hình ảnh: từ Wikipedia
trên Facebook